Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014

Chớ giết người (12.6.2014 – Thứ năm Tuần 10 Thường niên)

Lời Chúa: Mt 5, 20-26
20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.22Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
Suy nim:
Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ. Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay. Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình? Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống? Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người, trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động. Vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Cầu nguyn:
Lạy Ba Ngôi chí thánh, xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa ở sâu thẳm lòng chúng con, và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Chia sẻ Lời Chúa Thứ Tư tuần X Thường Niên(11.6.2014)

 THỨ TƯ TUẦN 10 TN
Th. Ba-na-ba, tông đồ
Mt 10,7-13

MIỄN SAO TIN MỪNG ĐƯỢC LOAN BÁO
“Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8)

 Suy niệm: 

Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết thánh Ba-na-ba được đầy Thánh Thần, đã hăng hái rời Giê-ru-sa-lem đi đến An-ti-ô-khi-a rao giảng Tin Mừng và mạnh dạn tìm gặp Phao-lô, (Cv 11,25-26). Thực vậy, chẳng mấy ai dám làm việc với Phao-lô, vì vẫn nghi kỵ ông, người đã từng bách hại các tín hữu dù nay đã trở lại. Thế nhưng Ba-na-ba đã không ngại tiếp xúc và còn mời Phao-lô tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Đó là việc làm xuất phát từ đức tin. Ông tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Ngài sai ông đi đâu và cộng tác với ai, ông vâng theo. Chúa Giê-su đã nhắc nhở người Tông Đồ không mang theo gì cả, chỉ biết mình đã được cho không thế nào, thì bây giờ cũng cho không như vậy. Ba-na-ba theo lời Chúa dạy, ông không mang theo gì cả, kể cả thành kiến từng có đối với Phao-lô. Ông chỉ nhắm đến sứ mạng truyền giáo theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sẵn sàng cộng tác với mọi người cho sứ mạng này.

Mời Bạn: 
Bạn đang làm việc với ai để truyền giáo? Bạn lựa chọn một số người và loại trừ một số khác sao? Chúa đang mời bạn cộng tác với mọi người để Tin Mừng được loan báo, phải không? Bạn cố gắng bỏ xuống những thành kiến về người khác và mang lấy Thánh Thần để cộng tác với anh chị em cách tích cực.

Sống Lời Chúa: 
Cầu nguyện cho những người đang cùng truyền giáo với bạn trong mọi công việc.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi tâm trí chúng con, cho chúng con quảng đại đón nhận mọi người, miễn sao Tin Mừng được loan báo.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Muối cho trái đất: SN Tin Mừng thứ Ba tuần X TN A (10.6.2014)


Lời Chúa: Mt 5,13-16

13
 “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. 14 “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được.15 Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà.16 Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.

Suy niệm:

Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được. Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại. Căn tính của người kitô hữu cũng vậy. Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương. Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình, nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa. Một phần ba thế giới là kitô hữu,  bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo. Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, con người ngày nay dường như thích sống vì mình, cho mình hơn là vì Chúa và cho tha nhân. Nhiều lúc, chúng con không còn tha thiết với ơn gọi làm sứ giả cho Nước Trời nữa. Xin Chúa ướp mặn đời chúng con, ban thêm sức mạnh cho chúng con, để chúng con trở nên nhân chứng đức tin như muối cho đời.

Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Thứ Hai ngày 09.06.2014
TUẦN X THƯỜNG NIÊN A
Mt 5,1-12
“Phúc cho ai có  tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3)
Như Mẹ: Chúa Giêsu không cổ võ cảnh nghèo đói, nhưng Chúa mong con người có tâm hồn nghèo khó. Người có tầm hồn nghèo khó là người luôn tín thác vào Chúa, để Chúa quan phòng chăm sóc lo liệu.
Với Mẹ: Lạy Chúa! Chúa mời gọi chúng con sống tinh thần nghèo khó theo gương sống của Con Chúa xưa kia, và lời mời gọi này vẫn hằng tha thiết vang lên, nhất là trong xã hội thực dụng này. Xin giúp chúng con biết sử dụng của cải vật chất để phụng sự Chúa và phục vụ anh em với tinh thần tín tác vào Chúa quan phòng.
Nhờ Mẹ: Lạy Mẹ Maria! Xin dạy chúng con biết noi theo gương Mẹ, chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời và sẵn sàng từ bỏ thế gian vì lòng mến Chúa trong một tinh thần thanh thản.
Trong Mẹ: Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Chúa Nhật 08.6.2014 
CHÚA THÁNH THẦN HIÊN XUỐNG
Ga 20,19-23
”Bình an cho anh em” (Ga 20,19).A
Như Mẹ: Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các tông đồ, là để ban bình an cho các ngài. Khi các ngài đón nhận được bình an, thì cũng đón nhận được ơn sủng của Thánh Thần, bởi vì bình an là hoa quả của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đón nhận được bình an từ Chúa Kitô phục sinh, rồi cũng được mời gọi đem bình an của Người cho người xung quanh chúng ta.
Với Mẹ: Lạy Chúa, sống trong xã hội nhiễu nhương này, chúng con tìm đâu ra bình an đích thực? Chỉ có Chúa mới ban bình an đích thực cho chúng con.
Nhờ Mẹ: Mẹ ơi, Mẹ luôn sống trong bình an của Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban cho chúng con bình an, để chúng con can đảm làm chứng cho Chúa giữa thế gian đầy bất ổn. Xin dẫn dắt chúng con đi trong bình an của Chúa.
Trong Mẹ: Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.
(Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh).

Thứ Bảy, 7 tháng 6, 2014

Ngày 07/06/2014Thứ Bảy, sau Lễ Chúa Thăng Thiên 
NGƯỜI MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU THƯƠNG MẾN
I  LỜI CHÚA: Ga 21, 20-25
20 Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau ; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi : “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là : “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”
24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.
25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
II. SUY NIỆM: 
Bài Tin Mừng hôm qua và bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, làm nên phần kết của Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong bài Tin Mừng hôm qua, hình ảnh thánh Phê-rô được nêu bật như là người mục tử, với sứ mạng chăn dắt đoàn chiên, dựa trên tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến » được đưa lên hàng đầu, cùng với những lời chứng mà người môn đệ này để lại cho chúng ta. 
1. « Ở lại »
Trả lời cho câu hỏi với ít hiều tò mò của thánh Phê-rô về Người môn đệ Đức Giê-su thương mến : « Thưa Thầy, còn anh này thì sao ? », Đức Giê-su nói : « Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? » Câu trả lời của Đức Giê-su không phải là một giả định không có thật, nhưng nói tới trường hợp Chúa muốn và trong thực tế, Ngài đã muốn như vậy : Ngài muốn rằng Người môn đệ Ngài thương mến « ở lại » cho tới khi Ngài đến. « Ở lại », chứ không phải cứ sống mãi « không chết », như lời đồn được lan truyền giữa các môn đệ.
Vậy, « ở lại » theo Đức Ki-tô phục sinh có nghĩa là gì ? Bởi vì, một người có thể ở lại hay hiện diện theo những cách thức khác nhau : bằng chính con người thể lí của mình, hoặc bằng chính tác phẩm hay công trình của mình. Vì thế, lời của Đức Ki-tô không hướng trực tiếp tới sự hiện diện thể lí của Người môn đệ Ngài thương mến, nhưng hướng tới sứ điệp Tin Mừng mà Người môn đệ đã thấm nhuần sâu xa và truyền đạt lại cho chúng ta.
2. Lời chứng
Như thế, Đức Ki-tô muốn mặc khải cho thánh Phê-rô rằng, theo ý muốn của Ngài, lời chứng của Người môn đệ Ngài thương mến sẽ tồn tại mãi cho đến tận thế, cho đến lúc Ngài trở lại. Và như chúng ta đã có thể nhận ra, quyết định này của Đức Ki-tô về Người môn đệ Ngài thương mến đang được thực sự thực hiện : một đàng, Người môn đệ này nhấn mạnh đặc biệt đến giá trị của lời chứng mà mình để lại trong Tin Mừng thứ tư : « Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực » ; và đàng khác, Giáo Hội và mỗi người chúng ta càng ngày càng khám phá ra giá trị bất hủ và thâm sâu của lời chứng mà Người môn đệ Đức Ki-tô thương mến để lại trong sách Tin Mừng của mình.
Đặc biệt, trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, và nhất là trong những tuần vừa qua, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm cách đặc biệt dung nhan rạng ngời của Đức Ki-tô, theo Tin Mừng Gioan, nghĩa là Tin Mừng của Người môn đệ Đức Giê-su thương mến.
3. « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến »
Ngoài ra, lời của Đức Ki-tô về Người môn đệ Ngài thương mến còn có thể mang một ý nghĩa khác, khi chúng ta không nhìn Người môn đệ như là thánh tông đồ Gioan, nhưng như là hình ảnh tiêu biểu của người môn đệ đi theo Đức Ki-tô. Và theo Đức Ki-tô phục sinh, hình ảnh này sẽ tồn tại mãi cho tới khi Ngài đến.
- Bởi vì, đó là hình ảnh Người môn đệ có một tương quan thiết thân với Đức Giê-su. Trong bài Tin Mừng, có một minh họa tuyệt vời cho mối tương quan thiết thân này : « ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối ».
- Bởi vì, đó là hình ảnh Người môn đệ đã nhận ra Đức Ki-tô phục sinh, khi nhìn thấy các dấu chỉ Ngài để lại trong ngôi mồ mở.
- Bởi vì đó là hình ảnh Người môn đệ đã nhận ra Đức Ki-tô hiện diện sống động trên bờ hồ Tiberia, nghĩa là ngay trong đời thường, khi nhìn thấy dấu chỉ mẻ cá lạ.
- Và bởi vì, đây là lí do quan trọng nhất, đó là hình ảnh Người môn đệ đã kinh nghiệm thật sâu xa tình yêu mà Đức Giê-su đã dành cho mình, và đã đi theo Ngài, cũng bằng tình yêu, cho đến cùng.
Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi nhận ra chính mình, dù còn đầy bất toàn và tội lỗi, là « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », để cho lời của Đấng Phục Sinh được ứng nghiệm hôm nay và cho đến khi Ngài trở lại.
III CẦU NGUYỆN:
 Lạy Chúa! Theo lời mời gọi của Chúa, chúng con cũng hăng hái lên đường để loan báo Tin Mừng của Chúa. Xin giúp chúng con luôn rao giảng những gì chúng con nghe, sống những gì chúng con rao giảng, để danh Chúa được tất cả mọi người nhận biết và tôn thờ.

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

Ngày 06 tháng 6 năm 2014
Thứ Sáu, sau Lễ Chúa Lên Trời
CON CÓ YÊU MẾN THẦY KHÔNG?
I. LỜI CHÚA: Ga 21, 15-19
15 Khi ấy, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”  19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”
II. SUY NIỆM
1. Tình yêu
Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.
Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.
Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Ngoài ra, Đức Giêsu còn kín đáo nhắc lại một chuyện khác, một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của ông Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “Dầu tất cả có vấp ngã đi nữa, thì con cũng nhất định là không.” (Mc 14, 29)
Ông Phêrô dường như đã nhận ra “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác, nhưng trả lời cách khiêm tốn: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúng ta được mời gọi đọc ra tâm tình sâu sa của ông Phê-rô ẩn bên dưới câu trả lời này: “Thưa Thầy, Thầy biết tình yêu của con dành cho Thầy lúc này như thế nào, và Thầy cũng biết quá khứ nhiều thăng trầm và tương lai đầy bất trắc của tình yêu con dành cho Thầy. Thầy biết con ước ao yêu mến Thầy trên hết mọi sự, cho dù con giới hạn và yếu đuối”.
2. Lòng thương xót
Nhưng tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.
Như thế, Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng đá tảng Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho tất cả chúng ta, những người đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi sống đời sống gia đình hay ơn gọi sống đời sống dâng hiến: chúng ta thuộc về Giáo Hội và được mời gọi phục vụ Giáo Hội, Thân Thể của Đức Ki-tô và tham gia vào sứ mạng Chúa trao cho Giáo Hội, khởi đi từ kinh nghiệm được Chúa thương xót một cách đích thân. Quên đi kinh nghiệm nền tảng này, chúng ta sẽ không thể đứng vững và chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.
Vậy, Chúng ta được mời gọi lắng nghe Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến khởi đi từ kinh nghiệm sâu sa về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, hơn là nói Người là ai, trên bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.
Trong câu hỏi của Đức Giê-su, Người dùng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu.
3. Sứ mạng
Sau mỗi lần mời gọi thánh Phê-rô yêu mến Người như Người đã yêu mến thánh nhân đến cùng, Đức Ki-tô trao sứ mạng: sứ mạng chăm sóc chiên con của Thầy, sứ mạng chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: “hãy là mục tử cho chiên của Thầy”) và sứ mạng chăm sóc chiên của Thầy. Như thế, Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”. Cũng như thánh Phê-rô, Chúa cũng trao cho mỗi người chúng ta sứ mạng “chăm sóc” chiên của Người, và đặc biệt là “chiên con”. Vậy, trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Và thế nào là “chăm sóc” hay “trở nên mục tử”? Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.
Và trong lời của Người, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh: “chiên con của Thầy”, “chiên của Thầy”. Như thế, đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của chúng ta. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi, nếu không sẽ có nguy cơ chúng ta biến chiên của Chúa thành chiên của mình. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.
*  *  *
Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.
Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua. Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là:
“Hãy theo Thầy”
III CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa! Khao khát sống hạnh phúc là ước muốn của tất cả chúng con, nhưng đứng trước thử thách và cám dỗ, chúng con có dám xác tín vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa không? Xin cho chúng con dám yêu Chúa một cách thực lòng bất chấp mọi gian nguy!

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

05.6.2013 – Thứ tư Tuần 9 Thường niên – Trao dồi giáo lý Kinh Thánh.

Phúc Âm: Mc 12, 18-27
"Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".
Suy niệm
Lạy Chúa, những người Xađốc trong bài Tin Mừng tượng trưng cho những người không tin vào Chúa và không hiểu biết Lời Chúa. Vì thế cuộc đời của họ còn cứ mãi lần mò, bước đi chập choạng trong mù tối và không tìm được mục đích thực sự cho đời mình. 
  • Xin cho chúng con siêng năng trao dồi giáo lý để củng cố đức tin của mình.
  • Xin cho chúng con được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu Lời Chúa và được biết rằng: chính Chúa là hạnh phúc và lý tưởng của cuộc đời chúng con. Nhờ đó chúng con hân hoan khi sống ở đời này và hướng lòng về sự sống đời đời trong niềm vui và bình an. Amen.

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Xin Cha gìn giữ họ: 

SN Tin Mừng thứ Tư tuần VII Phục Sinh (4.6.2014)

Lời Chúa: Ga 17,11b-19

Phần con, con đến cùng Cha. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. 
Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con.14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.17Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian.19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.

Suy niệm:
“Các con là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13).
Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó.
Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào,
ta sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, thế giới hôm nay cũng như hôm qua vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin; vẫn có những người đã chết từ lâu mà vẫn tưởng mình đang sống; Xin cho họ được mở mắt nhận biết và tìm về với Giáo Hội.

Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Tảng đá góc (03.6.2013 – Thứ Hai Tuần 9 Thường niên)

Lời Chúa: Mc 12, 1-12
1 Đức Giê-su bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.2 Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp.3 Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không.4 Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục.5 Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết.6 Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: “Chúng sẽ nể con ta.”7 Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.”8 Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.9 Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.10 Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường.11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!  12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.
Suy nim:
Dụ ngôn Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay làm ta khó chịu.
Chúng ta không chấp nhận được sự độc ác của những tá điền,
những người làm công cho ông chủ,
và có bổn phận phải nộp hoa lợi vườn nho cho ông khi đến mùa.
Tại sao họ lại đánh đập người đầy tớ đầu tiên do ông chủ sai đến?
Tại sao họ lại tiếp tục đánh đập và làm nhục người đầy tớ thứ hai?
Tại sao họ dám cả gan giết người thứ ba
và tiếp tục làm như thế với nhiều đầy tớ khác? (cc. 2-5).
Cuối cùng, ông chủ đã sai đến với các tá điền người con yêu dấu của mình,
người cuối cùng trong số những người được ông sai.
Ông nghĩ người con của ông sẽ có đủ uy tín để khiến các tá điền phải vị nể.
Nhưng đáng thương thay, cậu con thừa tự dấu yêu đã bị bắt,
bị giết và bị quăng xác ra ngoài vườn nho.
Chúng ta không hiểu được sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền.
Nhưng chúng ta lại càng không hiểu được
sự cam chịu kiên trì và sự ngây thơ lạ lùng của ông chủ.
Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ tội ác đầu tiên?
Tại sao ông lại thiếu cương quyết khiến cho nhiều đầy tớ,
và chính con yêu dấu của mình phải chết như vậy?
Cầu nguyn:
Lạy Cha từ ái,
đây là niềm tin của con.
Con tin Cha là Tình yêu,
và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhấtcũng có một đốm lửa của sự thiện,
được vùi sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Cảm xúc đêm chầu Thánh Thể toàn cầu (2.6.2013)


WGPSG -- Chúa ơi!
Diệu vời thay những giây phút hiệp nhất trong giờ chầu Thánh Thể toàn cầu đêm 2.6.2013! Con không biết gọi tên cảm xúc này là gì, vì tâm trạng này thật lạ so với tâm tình bình thường. Có lẽ vì xúc cảm này thật thánh thiêng, mới mẻ và đầy phấn khích!
21g30 con đến thánh đường, vì chỉ thấy vài người lác đác ngồi bên cạnh nhà thờ, nên con vội chạnh lòng. Chúa ơi! con không nghĩ mọi sự sẽ im ắng như thế! Con đi đến nhà chầu Thánh Thể, cũng chỉ có dăm ba người hiện diện… Nhìn Chúa qua tấm bánh trắng… trong bầu khí tĩnh lặng, con muốn đến gần Chúa hơn nữa… Khoảng cách hơn một thước vẫn là một khoảng cách xa đối với những người yêu nhau phải không Chúa?… Chúa ơi! Bạn lòng ơi! con thờ lạy Chúa… diện đối diện con vẫn thấy chưa đủ! Con muốn hòa tan… nấu chảy hết con người mình ra để Chúa ở trong con và con trong Chúa, tuy hai mà là một …
21g45 con đi ra nhà thờ, thấy dòng người đến nhà thờ như thác lũ… tim con loạn nhịp vì reo vui… Như vậy, lời hiệu triệu của người Cha chung đã được mọi Kitô hữu đáp lại…
22g nhà thờ đầy kín người… có cả những đứa trẻ lên ba đi theo mẹ cha… Vì là khách tạm cư, nên không ai quen biết con; tuy nhiên, con chẳng hề cảm thấy lẻ loi, cô độc trong dòng người này. Khi cha chủ tế thông báo xin mọi người chờ thêm 10 phút vì sóng không bắt được, mọi người vẫn kiên nhẫn chờ và tiếp tục nói chuyện riêng với Chúa.
Những giây phút chờ đợi trôi qua, tín hiệu sóng đã bắt được, cha chủ sự cho bắt đầu giờ chầu như chương trình dọn sẵn – đã được in ra, phát cho mọi người cùng theo dõi – mà Ban Mục vụ truyền thông Tổng Giáo phận đã phổ biến. Giờ chầu diễn ra thật sốt sắng, trang nghiêm, chứa chan tình yêu Chúa. Mọi người đã cùng một lòng một dạ theo hướng dẫn của cha chủ sự, hướng tâm hồn lên Chúa, hòa nhịp với Đức Thánh cha trong kết nối thiêng liêng, hòa điệu với mọi người trên toàn thế giới trong cùng một thân thể.
1. Chúa Giêsu Thánh Thể, hiện thân của Lòng Chúa thương xót
Điều này thật quá rõ ràng qua đời sống của Chúa Giêsu trong cuộc đời nhân thế. Chúa hay chạnh lòng thương của con ơi! có khi nào Chúa thoáng nghĩ: “Mình thương chúng ít ít thôi, nếu thương nhiều sẽ làm chúng hư đấy!?”
Phần con, thì nghĩ rằng tình thương không bao giờ là đủ hoặc phí phạm, uổng công. Lúc con là tội nhân, khi con càng cứng đầu, con mới cảm nhận rõ lòng thương xót của Chúa. Và lòng thương xót đó thật bao la đến độ khiến con tin tưởng là “Chúa thương con và đã xóa hết tội con”.
2. Chúa Giêsu Thánh Thể, nguồn hiệp thông trong Hội thánh
Cái gì nối kết chúng con lại nếu không cùng “ăn, uống” Mình Máu Thánh! Thánh Phaolô nói: “khi dự phần vào Mình Máu Đức Kitô” nghĩa là “dự phần vào Thân thể Người”, như thế chẳng phải chúng con chỉ là MỘT THÂN THỂ đó sao?
Vì thế, nguồn hiệp thông này được Đức Thánh cha Phanxicô khởi xướng và thực tế hóa qua việc cùng cử hành giờ chầu Thánh Thể này…
Chúa ơi! con cầu xin cho sự hiệp nhất trong Hội thánh.
Bắt đầu từ con người con: xin cho con đừng ích kỷ, đừng lấy mình là trung tâm. Nhưng luôn là người phục vụ, là dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Xin cho mọi con cái Chúa sống và làm chứng cho Tin mừng để mọi dân tộc được biết Chúa.
Theo dõi trên màn hình, con được dịp nhìn thấy mặt Đức Giáo hoàng đáng kính. Thật vui quá!
Nhìn lễ đài rộng, Mặt nhật chứa đựng Mình Thánh Chúa thật xinh, mọi người chăm chú hát, đọc… con ở đây cũng đọc, hát... thật sung sướng biết bao, Mẹ Hội thánh ơi!
“Ôi linh thiêng! Giây phút… đoàn con được chiêm ngắm nhan thánh Chúa chí tôn, quyền uy! Người ơi! nào mau đến, thờ lạy Chúa… Chúa đã thương…”
3. Trong Chúa Giêsu Thánh Thể, trở nên khí cụ của tình yêu hiệp nhất
Đức Thánh cha Phanxicô nói: “Ai không cầu nguyện và tha thứ cho kẻ thù của mình sẽ là người Kitô hữu “thua cuộc”. Đã có nhiều Kitô hữu buồn chán, thất vọng vì họ không biết kiên nhẫn chịu đựng và chiến thắng bằng tình yêu”.
Chúa ơi!
Con là người Kitô hữu thua cuộc đây!
Con đã không kiên nhẫn chịu đựng và chiến thắng bằng tình yêu.
Nhìn Giêsu trên khổ giá, nhiều người thời bấy giờ và ngay cả ngày nay vẫn tưởng Chúa đã thất bại.
Nhưng nhờ niềm tin và Mẹ Hội thánh chỉ dạy, con xác tín rằng Chúa Giêsu đã chiến thắng bằng tình yêu.
Chúa đã thu phục mọi người nhờ tình yêu, khi tha thứ tội lỗi chúng con.
Chúa ơi!
Giờ đây chúng con muốn góp phần mình để xây dựng sự hiệp nhất. Con cố gắng không xét đoán ai và chẳng lên án người nào nữa. Con sẽ tập cho đi những gì con có trong tầm tay; và nguyện biết luôn tha thứ.
Nhờ Mẹ Maria giúp sức cùng chuyển cầu, xin giúp chúng con trở nên khí cụ bình an và hiệp nhất của Chúa.
Tối nay, có rất nhiều người Việt Nam đi ngủ muộn… Đêm nay, bầu trời như kết dệt nhiều chùm sao hơn, vì dưới thế nhiều đóa hoa lòng liên kết lại, nối kết Tin Yêu chung lòng ca tụng Chúa cả đất trời, cảm nếm Tình Chúa bao la, trong cùng một lúc.
Xin cho hành động hiệp thông hôm nay không chỉ diễn ra một lần, nhưng là khởi đầu cho nhiều sáng kiến liên đới-hiệp nhất trong một Đức tin và một Tình yêu, để dân Chúa không ngớt lời ngợi ca Lòng Chúa thương xót, trong đời sống hàng ngày của mình.
Với tình Chúa và niềm tin, chúng con tiến bước vào thế giới…
Chúa ơi! Xin cho chúng con một đức tin vững vàng, một niềm trông cậy thiết tha và một lòng mến nồng nàn.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa, vì Chúa đã hiến ban chính mình làm lương thực nuôi sống chúng con. Xin cho Đức giáo hoàng Phanxicô, các giám mục và các thừa tác viên trong Hội Thánh, cũng biến đời mình thành tấm bánh bẻ ra cho sự sống của muôn người.

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Thầy ở cùng anh em mọi ngày 

(01.6.2014 – Chúa nhật 7 Ps – Chúa Thăng Thiên)

Lời Chúa: (Mt 28,16-20)

16 Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
Suy Niệm
“Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy” (Ga 14,24). Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường… Mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó. Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người. Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.